Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Cảm nhận về phim ảnh


Tôi ít khi viết bài review phim, vì tuy là tôi xem phim rất nhiều, nhưng tôi tự biết là khả năng cảm thụ nghệ thuật của tôi rất “rẻ tiền”, tôi chỉ thích phim hành động dồn dập, hiệu ứng tá lả, xem xong là… xong, ra khỏi rạp là quên. Vì tôi nghĩ đơn giản, trong cuộc sống quá nhiều cái phức tạp làm mình phải suy nghĩ rồi, đến xem phim giải trí mà cũng phải vướng vô mấy cái bi lụy, éo le của mấy em nhân vật trong phim chi nữa cho nhức đầu.

Tôi viết bài này cũng không phải để bình phim, mà đơn giản vì tôi thấy thích các phim này, và chúng sẽ giúp chung ta thu về nhiều bài học, những khoảnh khắc của thành công và thất bại, và nhắc nhở chúng ta về tiềm năng và những khuyết điểm của bản thân.

-

Đầu tiên là phim 3 idiots. Nếu bạn đang bắt đầu những năm tháng ngồi trên giảng đường, bạn nên xem 3 idiots, nếu bạn đã trải qua giai đoạn này, hãy chuẩn bị cười nắc nẻ rồi lại khóc nức nở khi thấy lại mình trong bộ phim này. 3 Idiots không thể trở thành một bộ phim nổi tiếng, giành oscar hay được biết đến rộng rãi, nhưng nó có thể thay đổi cách nhìn cuộc sống và cách sống của bất kì một ai đó, những ai đã một lần đến với câu chuyện 3 chàng ngốc. Xem để sống lại khoảng thời gian đi học của mình, có nụ cười và cả nước mắt.

Đời người không có giai đoạn nào đẹp hơn thời sinh viên, cái thuở lông bông bước vào đời đầy thú vị nhưng cũng đầy âu lo. 3 idiots vẽ lại một thời kí ức vàng son của mỗi người, trong mỗi tình tiết của bộ phim, chúng ta như lại thấy chính mình của ngày xưa, những năm tháng học xa nhà, những khi “cháy túi” lúc cuối tháng, những lo âu ngày thi cử.

Chỉ có vài nhân vật trong suốt chiều dài phim, nhưng đã thể hiện được rất nhiều mặt trong cuộc sống hiện đại, những số phận rất giống sinh viên Việt Nam. Bộ phim được kể từ hồi ức của anh chàng Farhan – anh chàng từ thuở được sinh ra đời, và vì mang giới tính nam, anh đã được cha mình “đóng mác” ngay từ khi còn chưa biết gì rằng anh sẽ trở thành một kĩ sư. Con đường mà Farhan sẽ đi đã được “đóng đinh” như thế, dù rằng anh vẫn say mê chụp mọi hình ảnh trên con đường anh đi, vẫn lặng lẽ chấp nhận những con điểm thấp, vẫn vô tư đi tiếp con đường mà anh không biết sẽ dẫn đến đâu. Farhan chính là đại diện cho phần lớn học sinh lớp 12 hiện nay đang phải chịu sức ép từ bố hoặc mẹ, buộc phải đi theo một con đường không yêu thích.

Như Raja do học dưới áp lực của gia đình, cậu luôn sợ hãi về tương lai, sợ hãi gánh nặng trên lưng, luôn cắm đầu vào học những kết quả lại chẳng như mong muốn. Cậu đã cố gắng hết sức, mà kết quả học vẫn không như ý muốn. Trượt đại học, bạn nghĩ rằng cánh cửa cuộc đời đã đóng sập lại trước mắt. Đổ vỡ trong chuyện tình cảm, bạn cảm thấy trái tim mình dường như đã chết. Thất nghiệp, nhận lấy một vài thấy bại, bạn nghĩ rằng tương lai của mình vậy là chấm hết. Có hai lựa chọn cho bạn trong hoàn cảnh đấy:  Quên nó đi và đứng dậy bước tiếp; hoặc giữ mãi nó trong lòng để rồi chết chìm trong cái mớ bòng bong cảm xúc và không bao giờ ngóc nổi đầu lên để quan tâm xem tương lai của mình sẽ như thế nào. Vấn đề là chúng ta vẫn phải sống. Và trời ngoài kia vẫn xanh, dù cho cuộc đời bạn có đen tối đến đâu đi nữa. Vậy thì cớ gì mà chọn nỗi buồn chứ không niềm vui? Chính thái độ mới quyết định cuộc sống của bạn.

Có cả một Chatur, một kẻ học như vẹt, biết tất cả nhưng chẳng hiểu gì, sẵn sàng “im lặng 18 tiếng mỗi ngày” để học bài mà tìm con điểm cao. Rancho từng nói 4 năm tại trường đại học sẽ giết chết 40 năm tiếp theo của cuộc đời bạn. Điều đó đúng với “Kẻ im lặng” Chatur. Và có thể, là đúng với rất nhiều người trẻ. Nhiều người trẻ đang hướng tới một thứ mục đích “ảo”. Chúng ta chạy theo số đông, và mơ ước mơ của số đông, chứ không phải ước mơ của chính bản thân ta. Chúng ta đang mơ những thứ có thể làm, những thứ dễ làm chứ không phải những thứ mà chúng ta muốn làm.

Có thầy hiệu trưởng Vi-ru khắc nghiệt trong bài nói chuyện với tân sinh viên:  đời là một cuộc đua, chỉ có kẻ đứng đầu mới được tính đến. Con người cũng như những con chim cu cu, vừa ra đời là đã phải biết tranh thủ đá những cái trứng khác ra khỏi tổ để mà sinh tồn. Rancho đã từng hỏi Viruts: “Nếu bút mực không dùng được ngoài vũ trụ, sao người ta không dùng bút chì. Họ có thể tiết kiệm hàng triệu đô.” Và 4 năm sau, trong cái đêm mưa gió Rancho cứu sống đứa cháu ngoại của Viruts, Viruts đã tặng lại Rancho chiếc bút kèm câu trả lời: “Vì nếu đầu bút chì gãy nó sẽ bay trong môi trường không trọng lượng, bay vào mắt, mũi, các dụng cụ. Cậu sai rồi. Không phải lúc nào cậu cũng đúng.” Từ đầu đến cuối phim, Rancho trong mắt tôi vẫn luôn là một người hoàn – toàn – tốt và hoàn – toàn – đúng. Nhưng ngay cả Rancho cũng có lúc sai. Không phải lúc nào chúng ta cũng đúng. Vì thế đừng bao giờ quá cố chấp trong cuộc sống.

Phim đem đến những bài học sâu sắc về triết lý sống, về ý nghĩa của giáo dục, về tình bạn, tình yêu, tác động mãnh mẽ đến người xem. Bây giờ nhiều học sinh, thậm chí là khi là sinh viên rồi, vẫn hoang mang không biết mình có chọn đúng ngành, đúng nghề, đúng niềm đam mê. Khi chọn trường thi, các nhà giáo dục, các nhà tư vấn, những buổi hội thảo giữa các trường, họ chỉ nói về những lợi ích, nhu cầu xã hội cần cho mỗi ngành nghề, điểm chuẩn, tỉ lệ chọi, ngành hot, ngành không hot… Đâu có ai nói với các em học sinh rằng, đừng quan tâm đến những điều đó, hãy chọn ra ngành em yêu thích nhất và theo đuổi đến cùng. Vậy thì dù bạn có đang “yêu” một nghề và “cưới” một nghề khác; dù bạn có ước mơ của riêng mình hay đang mơ ước mơ của người khác, dù bạn suy nghĩ tích cực hay tiêu cực, thì hãy tin rằng mọi chuyện đều sẽ ổn, theo một cách nào đó. Vì mỗi một ngày mai lại là một ngày mới. Khi trẻ, chẳng ai không mắc sai lầm hay chưa từng làm những chuyện ngu ngốc và điên rồ cả. Chúng ta còn trẻ, và còn nhiều thời gian để trải nghiệm và mắc sai lầm. Và đừng quên, chúng ta luôn có quyền lựa chọn ngày tiếp theo của chúng ta sẽ như thế nào.

-

Tiếp theo là khi ra trường, sẽ có 2 bộ phim thể hiện một phần nào tương lai bạn muốn hướng tới. Up in the air và The pursuit of happiness.

-

The pursuit of happiness - Bộ phim dựa theo một câu chuyện có thật về Chris Gardner, một nhân vật nổi tiếng trong thị trường chứng khoán Mỹ ở thập niên 90. Những năm đầu thập niên 90, Chris Gardner, một nhân viên bán hàng rong (thiết bị y tế) ở San Franicisco đang lâm vào tình trạng hết sức bi đát. Sau một thời gian dài không bán được hàng, nợ nần chồng chất, gia đình anh tan vỡ. Chris Gardner không thể níu kéo vợ ở lại với mình và con trai. Và thậm tệ hơn nữa, anh và con trai bị tống ra khỏi nhà, có lúc phải ngủ qua đêm trong nhà vệ sinh ở ga tàu điện ngầm. Định mệnh xoay chiều vào cái giây phút anh thử vận may của mình với những hộp rubic 6 mặt đã giúp anh tìm được việc làm ở một công ty môi giới chứng khoán. Dù không học đại học, thiếu kiến thức trường lớp, nhưng bằng lòng nhiệt tình và quyết tâm, Chris Gardner giành vị trí cao nhất trong khóa đào tạo của công ty chứng khoán, giúp cuộc đời của anh sang một trang mới.
Bộ phim ko chỉ thành công về mặt kịch bản với nội dung đề cao lòng quyết tâm, tinh thần cầu tiến của con người mà còn thành công về mặt diễn xuất của WS. Cảnh phim xúc động nhất và cũng cho thấy diễn xuất tuyệt vời nhất của WS chính là cảnh hai cha con phải ngủ nhờ trong nhà vệ sinh ở ga tàu điện ngầm. Hình ảnh anh lấy chân chặn cửa để che chắn cho giấc ngủ của đứa con trai trong khi nước mắt cứ rơi ko ngừng có thể làm lay động cả những người khô khan nhất.

Bộ phim đem lại nhiều bài học sâu sắc cho người xem. Trong đó có một câu chuyện vui mà đứa con kể cho cha nó nghe. Chuyện kể về một người đàn ông bị tai nạn trôi dạt trên biển. Ông ta là một người hết sức tin vào Chúa. May thay có một chiếc tàu đã nhìn thấy và chạy đến cứu nhưng ông ta đã từ chối và nói rằng: “Cảm ơn nhưng Chúa sẽ đến cứu tôi”. Một chiếc tàu khác đến và ông ta cũng nói: “Cảm ơn nhưng Chúa sẽ đến cứu tôi”. Cuối cùng, ông ta kiệt sức và chết đuối. Khi lên thiên đàng, gặp Chúa, ông ta liền trách móc: “Tại sao ngài lại ko cứu con” và Chúa trả lời: “Ta đã sai hai con tàu tới cứu con nhưng con lại từ chối”. Đó ko chỉ là một câu chuyện vui mà nó chính là một bài học thực sự, bài học cho những ai chỉ biết đặt niềm tin vào những thứ xa vời ko bao giờ có thể với tới, bài học cho những ai ko biết nắm lấy cơ hội mà để nó tuột khỏi tầm tay. Trong tình yêu, đó còn là bài học cho những ai chỉ mong tìm được một người yêu lý tưởng mà bỏ qua những người khác thật sự thương yêu mình. Nhưng có mấy ai thuộc nằm lòng được bài học này???

Nếu bạn để ý, bạn có thể nhận ra trong tựa gốc của bộ phim, chữ happiness được viết là happyness. Chữ “Y” (đã được cố tình viết thay vì “I”) chính là một hạnh phúc khác mà cha con Gardner mong tìm kiếm. Đó không phải là hạnh phúc của cuộc sống sung túc. Gardner giải thích: “Tôi thích chữ Y bởi nó bắt nguồn từ “WHY” là một câu hỏi thâm thuý. Giáo dục con cái là việc quan trọng, nhưng trong môi trường chúng được giáo dục, mọi người lại không tìm thấy hạnh phúc. Người ta ngày càng gặp nhiều thất bại trong việc giáo dục con em của mình. Xã hội càng phát triển, bọn trẻ càng có nhiều vấn đề để cần được giáo dục và ngày càng nhiều tình huống để giải thích cho bọn trẻ. Chữ Y vượt lên ý nghĩa của “hạnh phúc”, đó là lý do để giáo dục con trẻ nên người. Lý do để mưu cầu một cuộc sống hạnh phúc thật sự”.

Đây ko phải là một bộ phim về anh hùng nhưng nhân vật trong phim xứng đáng là một anh hùng. Phim là lựa chọn không tồi cho bạn nào đang có tâm trạng không tốt, hoặc muốn củng cố ý chí theo đuổi ước mơ nào đó. Nhưng trên hết với mình, tình cảm gia đình vẫn luôn là điều sau cùng bộ phim hướng đến. Bạn hãy xem và để rút ra những bài học cho riêng mình nhé! “Hạnh phúc là ở chính mình”.

-

Up in the air - Bộ phim kể về một người tên là Ryan Bingham, một người thành công, thông minh, thường xuyên sống cuộc đời mình trên không trung. Quanh năm suốt tháng anh bay từ nơi này sang nơi khác, nước này sang nước khác… đi thẳng đến văn phòng làm việc, vô làm xong công việc, quay trở ra sân bay/hoặc chuyến nào trễ quá thì quay trở lại một khách sạn rồi hôm sau lên đường tiếp. Tất cả mọi dịch vụ anh dùng đều là cao cấp nhất, bay ghế hạng nhất cùng các em tiếp viên xinh đẹp quen biết anh (do đã bay quá nhiều), ở những khách sạn sang trọng (trong phim Ryan chỉ dùng mỗi Hilton)… Anh bay nhiều đến mức trở thành khách đặc biệt VIP của các dịch vụ mình sử dụng (check in ở phi trường, khách sạn…). Ngoài công việc chính như vậy Ryan cũng thường đi thuyết trình, nói chuyện về những phương châm sống. Đó là một hình mẫu mà từ trước đến nay tôi luôn phấn đấu để mình trở thành – một doanh nhân giỏi trong lĩnh vực của mình, luôn di chuyển khắp nơi, được xung quanh đánh giá cao…

Ryan có một phương châm sống rất độc lập đến mức biệt lập (về tình cảm – chứ đã là doanh nhân thì không thể không có mối quan hệ được), mọi thứ đền ngăn nắp vào khuôn khổ và đặc biệt là không lệ thuộc vào một mối quan hệ tình cảm nào với phụ nữ. Nhấn mạnh chỗ này, nghĩa là ổng không muốn có một mối quan hệ – chứ không phải ổng không quan hệ  :-D . Ryan có một người tình tên là Alex, cô này cũng là một thương gia mạnh mẽ, đủ thông minh, đủ sắc sảo để trò chuyện được với Ryan, gặp nhau trong những chuyến công tác, những buổi tối ở đại sảnh khách sạn, trò chuyện như tình nhân, về phòng xxx. Rồi hôm sau đường ai nấy đi, không có ai phải áy náy, không ai can thiệp vào cuộc sống, công việc riêng của ai…

Xong rồi đến một giai đoạn, qua một số biến chuyển, con người bất cần tình yêu như Ryan lại bắt đầu thấy là phương châm sống đó không đúng, anh bắt đầu cần tình yêu, sau khi có đủ danh vọng, anh bắt đầu chạy đi tìm người mình yêu. Và khi đó anh gặp phải những thất vọng về tình yêu, những suy nghĩ mà anh dự định chẳng còn cơ hội nữa.
Anh trở lại công việc, mọi việc lại như cũ theo ý anh, công việc lại cuốn anh đi theo guồng. Lại làm việc hết mình và lại cô độc. Trước đây anh có đặt ra cho mình một mục tiêu nhỏ để chinh phục, đó là đạt được mốc 10 triệu dặm bay – trên thế giới chỉ đếm trên đầu ngón tay một vài người di chuyển được khoảng cách này, và họ sẽ có đường điện thoại riêng trực tiếp đến hãng hàng không, tên của họ sẽ được khắc vào đâu đó trên máy bay. Sau mọi chuyện xảy ra, trong lúc ngồi suy tư về tình yêu của mình trên máy bay, thì anh lại bất ngờ đạt được cái mục tiêu của mình. Bỗng anh thấy nó không còn ý nghĩa nữa.

Tôi rút ra 3 giai đoạn của Ryan như vậy. Và vô tình nó trùng với 3 giai đoạn trong suy nghĩ của tôi, xem phim tui thấy bóng dáng mình trong nhân vật Ryan. Một thời gian dài tôi chỉ tập trung làm việc và phấn đấu để trở thành một người như Ryan: thành đạt, độc lập, không cần những mối quan hệ tình cảm. Rồi tới lúc tôi thay đổi suy nghĩ, có thể gọi là trưởng thành hơn, qua cái thời kỳ ngựa non háu đá, sống trên mây. Tôi thấy gia đình quan trọng, tình yêu quan trọng. Tôi yêu, sống trong tình yêu, hạnh phúc với tình yêu, thấy thèm một gia đình, một mái ấm có vợ, có con… Cái đó giống với giai đoạn 2 của anh Ryan bên trên, khi ảnh dẫn cô Alex về quê tổ chức đám cưới cho em gái, dẫn cổ về ngôi trường ngày xưa ảnh học… Sống hạnh phúc chìm đắm trong tình yêu. Rồi tôi cũng gặp trục trặc và chuyển sang giai đoạn 3 giống Ryan, buồn, thất vọng về tình yêu. Quay trở lại với công việc, cày hùng hục. Hiểu hơn là tình yêu ngọt ngào thế nào và cũng làm ta đau thế nào. Và rồi dần dà, một cách tự nhiên tôi thấy mình không cần tình yêu nữa, tôi thấy nó chỉ đem lại nhiều rắc rối. Cũng giống như cái mục tiêu 10 triệu dặm của Ryan, tui cũng có những mục tiêu của mình ngày trước – và giờ tui quay lại để cố gắng theo đuổi nó, nhưng tui cũng sợ rồi mình sẽ giống anh, khi đạt được rồi lại thấy nó vô nghĩa. Vì giờ thì tôi cảm nhận được cái sự chia sẻ nó cũng quan trọng như là cái việc đạt được.

Gần 30 tuổi, cái tuổi chưa đủ “già đời” để có thể nói là hiểu về triết lý của cuộc sống, nhưng cũng chưa phải là quá nhỏ để còn những ước mơ bay bổng xa vời kiểu 20 đầy mơ ước. Quay trở lại Up In The Air, phim kết thúc mở với cảnh một mình Ryan nhìn ra bầu trời bên ngoài cửa sổ máy bay và thì thầm: “Tối nay hầu hết mọi người sẽ trở về nhà, nơi có những đứa trẻ reo hò cùng chú chó vẫy đuôi. Vợ hiền sẽ hỏi về công việc ngày hôm đó của họ, và tối nay gia đình họ sẽ đầm ấm hạnh phúc. Ngoài kia những ngôi sao đã xuất hiện, Và trong những ánh sáng lấp lánh ấy, có một điểm sáng hơn đôi chút. Đó là ánh sáng nhấp nháy của cánh máy bay mà tôi đang đi…”
Câu nói tưởng chừng vô thưởng vô phạt, lại làm tôi cảm nhận được sự cô độc của Ryan, cách nhìn đời của anh cũng quay trở lại đơn giản, khô khan như xưa. Nhưng lần này cũng có lẽ là có chút gì đó thay đổi, giờ anh đã biết ai cũng cần tình yêu, nhưng tình yêu chỉ dành cho một số người, và không phải ai muốn cũng có… Hành trình mới trong đời của Ryan hẳn sẽ không nhẹ tênh và dễ dàng, bởi anh đã tự bỏ vào đó gánh nặng lớn nhất trong đời một con người.